August 2020


 HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ và VĂN HÓA ĐẶC BIỆT

* Gọi "thứ Hai", "thứ Ba", "thứ Tư",... sao không thấy "thứ Nhứt (nhất)" ?
* Gọi "CHỦ nhựt (nhật)" hay gọi "CHÚA nhựt (nhật)" ?

1. Trong ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tiếng Nhựt ở Đông Á họ gọi tên cho các ngày trong tuần như sau :
Monday (Anh) / lundi (Pháp) / Getsu-yō-bi (Nhựt Bổn) tức "Nguyệt diệu nhựt" : ngày Mặt Trăng ;
Tuesday / mardi / Ka-yō-bi : ngày sao Hỏa ;
Wednesday / mercredi / Sui-yō-bi : ngày sao Thủy ;
Thursday / jeudi / Moku-yō-bi : ngày sao Mộc ;
Friday / vendredi / Kin-yō-bi : ngày sao Kim ;
Saturday / samedi / Do-yō-bi : ngày sao Thổ ;
Sunday / dimanche / Nichi-yō-bi : ngày Mặt Trời.

Không chỉ Anh, Pháp mà cả Ý, Tây Ban Nha, Đức,... các nước phương Tây, và kể luôn Nhựt Bổn đều dùng tên gọi của các thiên thể để đặt tên cho các ngày trong tuần (gắn liền với các sự tích thần thoại bên phương Tây ; stt này không đề cập những sự tích cũng như vì sao Nhựt Bổn lại gọi y như phương Tây).

Không nước nào dùng số thứ tự để gọi các ngày trong tuần, như người Việt chúng ta.

2. Từ đâu mà người Việt lại dùng số thứ tự để gọi - thứ Hai, thứ Ba,..., thứ Bảy ?

2.a. "Tuần gồm 7 ngày" là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch. Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì "tuần" 旬 có nghĩa là 10 ngày - trong một tháng 30 ngày chia ra "thượng tuần", "trung tuần", "hạ tuần".

Người Việt biết đến dương lịch của phương Tây, lúc nào ? Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo (sau đó, mở rộng địa hạt truyền giáo ra Đàng Ngoài). Ở đây, chúng ta cần hiểu cho tỏ một vài dữ kiện lịch sử, để đừng ngộ nhận ở mức sơ đẳng nữa :

* Trong suốt thời kỳ đầu của truyền giáo, nhứt là - xin nhấn mạnh - trong buổi bình minh của việc xây dựng chữ Quốc ngữ, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, ngài là người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha (vì chữ Bồ Đào Nha có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, thành thử chúng ta quen nói là dựa trên bộ chữ cái Latinh).

* Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591-1660) cũng thuộc Dòng Tên, ngài đã tiếp nhận công trình ký âm tiếng Việt của Francisco de Pina để hoàn thiện hơn. Linh mục Đắc Lộ biên soạn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (VBL), ủa, tại sao ngài không soạn "tự điển Việt - Pháp - La" ?

Bởi vì, xin chú ý, Linh mục Đắc Lộ đâu phải là công dân nước Pháp mà biểu ngài viết tiếng Pháp !

Quê quán của ngài là Avignon thuộc lãnh thổ của quốc gia bấy giờ mang tên "Stato della Chiesa" ("Quốc gia Giáo hội", États pontificaux), đâu phải là nước Pháp mà nói ngài là công dân Pháp ? Avignon chỉ thuộc về nước Pháp vào năm 1791 (sau Cách mạng Pháp 1789), tức sau khi Linh mục Đắc Lộ đã qua đời những 130 năm, hơn một thế kỷ về sau lận !

Thêm nữa, rất đáng chú ý, "ngôn ngữ phương Tây" thịnh nhứt ở nước Việt, trong thế kỷ 17, là tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ của đa số các giáo sĩ). Tiếng Pháp, người Pháp thì mãi về sau lận, họ mới có mặt trên nước Việt.

2.b. Ngày đầu tuần "Monday" (tiếng Anh đang phổ dụng hiện nay cho tiện đối chiếu), trong tiếng Bồ là "segunda feira". Cứ vậy nối tiếp: "terça" (Tuesday), "quarta" (Wednesday), "quinta" (Thursday), "sexta" (Friday)... Mà quí bạn biết không, "segunda", "terça", "quarta", "quinta", "sexta"... có nghĩa là "thứ hai", "thứ ba", "thứ tư", "thứ năm", "thứ sáu"... đó đa !

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần THEO SỐ THỨ TỰ, không đặt tên theo các thiên thể / sự tích thần thoại (như Pháp, Tây Ban Nha, Anh...). Thành thử các giáo sĩ Dòng Tên (với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt), vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự : thứ Hai (segunda), thứ Ba (terça), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima) !

[riêng thứ Bảy, ngoài chữ "septima" thì người Bồ còn dùng chữ "sábado" và "sábado" được dùng phổ biến hơn hẳn; "sábado" nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái].

3. Còn "ngày thứ nhứt (nhất)" ? Cách gọi "Chúa nhựt" / "Chủ nhựt" từ đâu ra ?

3.a. Trong cuốn "Phép giảng tám ngày" (PGTN) và trong Tự điển VBL của Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), có ghi: "ngày thứ nhứt" (dịch nghĩa "prima" trong tiếng Bồ), còn gọi là "ngày Dominh", ngày kế tiếp là "thứ Hai" (segunda)... Vào thời kỳ đầu định danh bằng tiếng Việt cho các ngày trong tuần theo dương lịch, CHƯA XUẤT HIỆN cách gọi "Chúa nhựt / Chủ nhựt".

"Ngày Dominh"? "Dominh" (có nơi ghi "Duminh") phiên âm từ tiếng Bồ "Domingo", danh từ này lại có gốc từ tiếng Latinh "Dominicus" nghĩa là "ngày của Thượng Đế".

"Ngày Dominh" và "ngày thứ nhứt" là một, nhưng lối gọi "ngày Dominh" phổ biến hơn.

3.b. Trong cuốn Tự điển của Lm Taberd, vào thế kỷ 19, không còn xuất hiện lối gọi "ngày Dominh" nữa mà thay vào đó là "ngày Chúa nhựt". Trong cuốn "Tiểu tự điển Pháp - Việt" của học giả Trương Vĩnh Ký, thế kỷ 19, ghi "Dimanche : ngày chúa nhựt".

Như vậy, "Chúa nhựt" là lối gọi có thể xuất hiện SAU thế kỷ 17 (nhưng chính xác vào lúc nào thì không rõ) và, dĩ nhiên, là TRƯỚC khi có Từ điển của Lm Taberd và Trương Vĩnh Ký trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ).

Còn "Chủ nhựt" ? Theo từ điển của Trương Vĩnh Ký, năm 1886, ông ghi: "dimanche: ngày chúa nhựt". Vậy, lối gọi "Chủ nhựt" không thể xuất hiện trước năm 1886 cuối thế kỷ 19, mà xuất hiện vào thời điểm nào đó trong thế kỷ 20 (sau 1975).

Tóm lại, để gọi tên cho "Sunday", trong tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi theo dòng lịch sử: "ngày thứ nhứt" => "ngày Dominh" => "Chúa nhựt" => "Chủ nhựt".

Trong thực tế hiện nay lối gọi "Chúa nhựt" vẫn còn hiện diện, bên cạnh lối gọi "Chủ nhựt" (ngày càng phổ dụng hơn).

4. "CHÚA", trong "Chúa nhựt", đây là hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ (chỉ có trong tiếng Việt) !

Từ việc phiên âm "ngày Dominh" (domingo), chuyển sang dịch đúng nghĩa là "ngày của Thượng Đế". Nhưng tại sao Thượng Đế, trong tiếng Việt, lại có cách gọi là "CHÚA" / "ngày của CHÚA" (Chúa nhựt) ?

Kitô giáo bên Trung Hoa lẫn bên Nhựt Bổn, họ xưng tụng Đấng Tạo hóa bằng hai chữ: 天主 - tiếng Tàu đọc /tiān zhǔ/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt của hai chữ này là "Thiên Chủ". Sao, Kitô giáo ở VN không gọi "Thiên Chủ" mà lại gọi thành "Thiên Chúa" ?

Ở đây, cách gọi "Chúa" (trong "Thiên Chúa") cho thấy hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ hết sức đặc biệt, dựa theo dấu ấn lịch sử của nước Việt:

Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhứt, được gọi là: "Chúa" 主. Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, còn Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư danh, không thực quyền).

Thành thử Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhứt khắp trời đất, được diễn giải trong tiếng Việt là: "Chúa (Trời)" (Thiên Chúa).

Nhắc lại: bên Nhựt, bên Tàu họ đều gọi "Thiên Chủ" 天主; NHƯNG cũng ký tự này, ở VN, "Chủ" được chuyển thành "Chúa", và chỉ ở VN mới có cách gọi là "Thiên Chúa" mà thôi.

Phiên âm "ngày Dominh" được chuyển nghĩa sang cách gọi "ngày của Chúa" (Chúa nhựt) là vì vậy.

Nhắc lại: cùng một ký tự 主, ở tiếng Việt có hai cách đọc: "chúa" / "chủ". Thành thử "Chúa nhựt" hay "Chủ nhựt" thì cũng cùng một cách viết (trong Hán tự): 主日.

THAY LỜI KẾT :
Nước Việt và nước Bồ xa xôi cách trở, một đàng ở Đông Nam Á còn một đàng ở tuốt Nam Âu, nhưng trên thế giới chỉ có 2 ngôn ngữ này - TIẾNG VIỆT và TIẾNG BỒ - là có sự gặp gỡ, giống nhau trong cách gọi :

* Tên các ngày trong tuần được đặt theo số thứ tự; đầu tuần làm việc là thứ Hai ("Segunda");

* Ngày thứ nhứt được gọi là "Chúa nhựt/Chủ nhựt" (tiếng Bồ "Domingo" mang nghĩa tương tự)

Phụ chú: Tiếng Tàu có nhiều cách thức để gọi tên cho các ngày trong tuần; trong đó cũng có cách dùng số thứ tự để đặt tên. NHƯNG khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là "tinh kỳ nhứt" (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt & tiếng Bồ là "thứ Hai" (segunda); ngày cuối tuần gọi là "tinh kỳ lục" (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là "thứ Bảy".

Chúa nhựt (Chủ nhựt) trong tiếng Việt, bên tiếng Hoa gọi "Tinh kỳ thiên" (ngày của Trời).

(*): Nội dung stt trên được tham chiếu từ một khảo luận của Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

--Nguyễn- Chương Mt
https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/916402662127048
==================

SAIGON 1966-67. Photo by Capt. Ted R. Snediker. Saigon Cathedral. Nhà thờ Đức Bà.

 

Công Dân Giáo Dục, 1938

Con trẻ ra ngoài đường phải thế nào ?

Khi ra ngoài phải ăn mặc cho chỉnh tề sạch sẽ. Đi cho khoan-thai, chớ có lật đật và xô chen người khác. Không nên chạy nhảy hoặc gào thét ở ngoài đường. Gặp người quen phải chào hỏi. Lúc người ta còn cách xa không nên gọi, đến gần sẽ chào. Không nên nói chuyện lâu vì chỗ đường sá không phải là nơi tiếp khách.

Nếu gặp đám đông người cãi nhau hay làm một việc gi, không nên đứng lại và nhập bọn vì họ làm xằng có khi liên lụy đến mình, nếu không thì những quân gian có thể thừa lúc ồn ào mà bóc lột ta.

Luật đi đường.

Khi đi đường, bao giờ ta cũng nhớ đi về bên tay phải. Không được chạy hoặc chơi đùa giữa đường. Nếu muốn rẽ sang bên kia đường, phải đứng lại nhìn xem có xe cộ sấp tới hay không. Lúc tạt ngang phải rảo bước. Khi đang di, nếu nghe còi báo của ô-tô ở đằng sau, phải tránh luôn vào vệ đường chỗ mình đang đi để nhường lối cho xe vượt, chớ có quay lại nhìn, hay đang ở vệ đường bên trái lại chạy sang bên phải cho đúng luật mà xe đè phải vì sức xe chạy nhanh, ta chỉ chậm bước hoặc sơ-ý một chút là bị tai-nạn.

Bổn phận đối với kẻ khó; người già,kẻ tàn-tật, kẻ yếu đuối và người lạ.

Gặp kẻ khó - Khi ra đường gặp kẻ khó đến xin mình, nếu sẳn tiền thì cho ngay, bằng không thì nói tử tế, đừng gắt gổng khinh bỉ để người ta phải tủi.

Gặp người già. - Ta phải coi người già nua tuổi tác như ông bà ta. Khi gặp ở đường ta phải nhường người đi trước. Nếu người có mang sách vật gì nặng hay đánh rơi đánh đổ cái gì, ta nên mang đỡ hoặc nhặt giúp.

Gặp kẻ tàn-tật - Tàn-tật là người mù, què, câm, điếc: Người ta với mình cũng là một loài người, không may bị tàn-lật không làm gì được, đã thiệt thòi đau đớn lắm rồi, ta không nên bỉ-bạc, phải động lòng thương và cứu giúp

Gặp kẻ yếu đuối. - Gặp những kẻ yếu đuổi, những đàn bà, con trẻ lạ-lùng, bở-ngỡ, ta nên giúp đỡ, bênh vực và chỉ bảo để tỏ tầm lòng từ-thiện của ta.

Gặp người lạ - Đối với người không quen biết ta phải cử chỉ cho khiêm-tốn, nói năng cho ôn-hoà nghĩa là phải giữ cho có lễ-phép. Lễ-phép không mất tiền mua mà lại làm cho người ta mến thương.

CÁCH GIAO-THIỆP

Sự đi thăm.

Khi đi thăm ai, đến cổng phải bảo cho người nhà biết. Nếu chủ-nhân đang ăn hay bận việc thì không nên vào, trừ khi có việc cần lắm hãy xin vào.

Khi nói chuyện phải nói cho rõ-ràng, gãy-gọn. Lúc ngườita nói phải lắng tai nghe đừng nói chen vào. Phải trả lời cho có lễ-độ không nên suồng-sã. Đừng tranh hơn kém mà cãi lẽ với chủ-nhân. Không nên nói tục. Chỗ đông người, không nên nói thầm với ai mà cười để người ta tưởng mình nói xấu người ta.

Khi hết chuyện thì cáo từ, không nên ngồi dai cho người ta chán.

Lúc tiếp khách.

Khi khách đến chơi với cha mẹ mình thì sửa sang cách ăn mặc cho chỉnh đốn ra cổng đón chào và mời lên nhà khách, khi cha mẹ tiếp khách thi mình phải đứng hầu để lấy trầu thuốc, pha nước chė hoặc lau cốc rót rượu. Khách cùng cha mẹ có nói truyện kín thì phải lánh đi. Cho ngồi thì ngồi, có hỏi đến thì phải đứng dậy mà thưa, không được nói leo hoặc làm ầm-ỹ.

Khi khách về, phải đưa chân ra cổng và vái tiễn. Không nên đóng xầm cửa lại ngay lúc khách vửa ra khỏi cửa.

Nên nhớ rằng lúc đón khách thì mình đu trước để tiện chỉ lối và lúc đưa chân thì để khách đi trước.

Hầu Cơm

Cha mẹ có khách đến chơi mà đãi cơm rượu, mình phải qua xuống nhà dưới xem cổ bàn có tươm-tất thiếu-thốn gì không.

Đến lúc ăn phải đứng hầu phòng khi sai khiến, thiếu gì thì lấy. Đưa đồ ăn phải bưng hai tay. Không được mắng mỏ đầy tớ trước mặt khách. Khi ăn xong phải lấy tăm nước, nước rửa và khăn lau.

Nếu có đồ tráng miệng phải đặt vào khay sạch sẽ bưng ra.

Trong khi hầu cơm, đứa trẻ tinh ý cũng nên xem cách người trên tiếp-đãi thế nào, ăn uống thế nào để mà bắt chuớc.

Ăn cơm khách.

Đi ăn cơm khách phải đế cho đúng giờ. Phải ngồi cho ngay ngắn, chớ có chống khuỷu tay xuống bàn. Trời có bức, chủ nhân có dục hãy bỏ áo ngoài.

Khi ăn cũng được phép nói truyện cho vui, song mình là trẻ con thì có ai hỏi đến sẽ thưa. Bụng dẫu đói cũng không nên hinh ra nét mặt cho người ta biết, không nên gắp luôn tay, đừng và lớn miếng. Món gi mình không thích không nên chê, không nên uống nhiều rượu và ăn quá no.

Người ta có yêu mình mới mời đên, phải ăn uống thực thà không nên làm khách.

Tiệc xong, có đồ quà bánh tráng miệng, ăn rồi không nên lấy phần đem về.

PHÉP LỊCH SỰ

a) Cất mũ, bắt tay.

Mỗi khi chào ai, ta sẽ nghiêng đầu và cất mũ ra rồi lại đặt vào đầu. Nếu nói chuyện với người trên thì phải cầm mũ ở tay, đợi đến khi người trên cho phép đội hay khi cáo từ sẽ đội mũ vào.

Đối với người ngang hàng hay người dưới ta có thể dơ tay (tay phải) ra trước bắt tay người ta.

Đối với ngưòi trên thì đợi người trên có đưa tay minh sẽ bắt, nếu dơ tay trước là vô-lễ. Khi bắt tay không nên nắm mạnh quá và cũng không nên ơ-hờ quá.

Còn lối chào nhà binh dơ bàn tay phải ngang dia mũ chỉ dành riêng cho binh-sĩ, người thường gặp nhau mà dơ tay như thế thì không phải lối.

b) Lúc nói chuyện

Khi nói chuyện thì đứng cho ngay ngắn, mắt trông thẳng, nói cho rõ ràng, đừng cúi đầu và ấp-úng, dụt-dè.

Nếu nói chuyện với một người đang đi thì mình tiến lên ngang hàng về bên trái cho dễ nói chuyện, không nên lẽo đẻo theo sau, thành ra hai bên đều khó nghe.

Khi có việc vào bàn giấy người trên thì đứng đối-diện để tiện trình bầy hay nộp đơn từ, không nên lén ra bên cạnh hay nép về phía sau.

Khi vào nhà ai phải bỏ mũ, bỏ kính ra ( trừ khi có bệnh mắt ). Nói xong chuyện thì cáo-từ, không nên ngồi lâu làm mất thi giờ của chủ nhân.
...

Hà Mai Anh
Trích Công Dân Giáo Dục, 1938

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.