November 2022



Trạng Quỳnh và hành vi Trạng Quỳnh từng là niềm tự hào của nhiều người Việt (kể cả tôi), nhưng nghĩ lại thì thấy xấu hổ thì đúng hơn. Đó là một loại dân khí thấp kém. 

Hồi còn nhỏ, tôi rất mê những câu chuyện về Trạng Quỳnh. Thời đó (thập niên 1960s) tôi cứ tưởng Trạng Quỳnh là người thật, nhưng mãi đến sau này mới biết đó chỉ là một nhân vật hư cấu. Tuy nhiên, nhân vật đó đã hun đúc tinh thần tự hào dân tộc cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Bọn con nít chúng tôi đọc những câu chuyện về đối đáp giữa Trạng Quỳnh và các sứ Tàu mà thấy trong lòng dâng lên niềm tự hào về tánh thông minh và nhanh nhạy của dân tộc Việt. 

Chẳng hạn như chuyện sứ Tàu bị Trạng Quỳnh gõ quạt vào đầu, và vì tức quá nên viên sứ Tàu đuổi Trạng Quỳnh và phải qua cái cầu vồng mà viên sứ Tàu không muốn bước qua. Hay như chuyện viên sứ Tàu địch một phát và lếu láo nói 'Sấm động nước Nam', nhưng bị Trạng Quỳnh vạch quần đái xuống nước và đáp trả 'Mưa qua bể Bắc'. Nhưng câu chuyện đại loại như thế làm cho bọn con nít rất khoái, và nó đi vào tâm trí hay máu mình hồi nào không hay với suy nghĩ rằng người Việt rất thông minh. 

Sau này (sau 1975) tôi cũng nghe đến những câu chuyện về cách ứng phó thông minh của mấy người trong nhóm lãnh đạo. Chẳng hạn như có chuyện kể rằng ông Lê Đức Thọ khi tiếp kiến Henry Kissinger, thì ông Kissinger nói đùa rằng ông ấy cao hơn ông Thọ. Ông Thọ bèn chỉnh sửa lại rằng 'Không, ông chỉ dài hơn'. Và, các cán bộ tỏ ra rất thích thú với cách trả lời đó, vì họ xem đó là một đối đáp hay. Không rõ câu chuyện có thật (vì không thấy Kissinger viết trong hồi kí) hay chỉ là phịa ra để tự cho rằng người Việt thông minh. Nếu thật, tôi không rõ Kissinger (một người gốc Do Thái có bằng tiến sĩ và rất thông minh) nghĩ gì, có thể ông ấy chỉ phì cười trong bụng vì cách ăn thua đủ kiểu trẻ con của Trạng Quỳnh.

Những hành vi của Trạng Quỳnh trong tiếng Anh gọi là 'cunning' hay 'dodgy'. Cunning có nghĩa là láu cá, ranh vặt. Còn dodgy thường được dùng để chỉ hành vi lẩn tránh, khéo thoái thác, tinh ranh. Những hành vi cunning và dodgy được xếp vào nhóm có tên là 'street smart', tức là sáng dạ đường phố. Đó là những người nhanh trí về ứng phó trong môi trường hạn chế về tri thức. Họ không có học bài bản nên chỉ biết dùng cái nhanh trí để đánh lạc hướng vấn đề. 

Người cunning có những mẹo của họ, mà nếu là người tinh ý sẽ dễ nhận ra. Họ thường nghi ngờ động cơ của đối phương. Họ giả vờ đòi thêm thông tin để kéo dài câu chuyện. Người ta có thể chỉ nói đùa, nhưng kẻ cunning thì lại nghĩ rằng đó là cách hạ nhục họ. Nói cách khác, họ cảm thấy bất an (insecure). 

Người cunning cũng hay thích chú ý đến chi tiết nhỏ nhặt và xoáy vào đó để hạ thấp đối phương. Trong khi người ta đang nói về một chủ đề lớn, kẻ cunning không có gì để nói nên tập trung vào một lỗi nhỏ (như một chữ hay con số sai, hay lỗi chánh tả) và hả hê kết luận đối phương là dốt, không đáng bàn chuyện lớn. Cả luận án người ta mà có người chỉ biết bắt lỗi ... chánh tả! Đây chính là thủ thuật của những người như Trạng Quỳnh. 

Xây dựng trên cái mô-típ Trạng Quỳnh, các chương trình hài và 'gameshow' ở Việt Nam xuất hiện nhan nhản những câu đố, những câu trả lời chỉ có thể nói là ... vô duyên. Những câu đố như con gì, vật gì, chuyện gì, rồi phăng ra những câu chữ mang tính gán ghép làm cho nó dài thêm, nhưng nếu xem xét kĩ thì đó chỉ là những trò vừa trẻ con vừa ... tào lao. Ấy vậy mà chúng xuất hiện trên các chương trình truyền hình quốc gia! 

Lại có giai thoại về một viên chức ngoại giao Việt Nam (miền Bắc) bắt tay một ông bộ trưởng Mĩ, rồi ngay sau đó rút khăn mouchoir ra lau tay, hàm ý nói tay của tay bộ trưởng kia là dơ dấy. Cán bộ kể chuyện mà cười hả hê, nhưng tôi nghĩ đó là hành vi bất lịch sự và kém giáo dục.  

Nói chung, những kẻ cunning cố ý làm chệch hướng vấn đề để gây lợi cho mình. Ví dụ như người ta nói 'cao', mình chuyển sang 'dài', chỉ để giấu diếm sự cái tâm yếu đuối của mình. Những kẻ cunning có thể đạt được những mục tiêu ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì họ không thể thành công được. 

Hôm trước, một em nghiên cứu sinh trong lab nói về mất xương và lối sống, nhưng một anh giáo sư Tây xoáy vào hỏi chuyện … cơ chế! Quái. 🙂 Tôi để cho em ấy trả lời mà không can thiệp, và em ấy đã làm rất tốt. 

Có thể người Việt chúng ta không tồi, nếu không muốn nói là khá về cái mà Tây gọi là 'Cognitive Ability'. Nhưng cái khả năng tri thức đó hình như chỉ dùng giải quyết các vấn đề nhỏ nhặt, chớ không phải vấn để vĩ mô. Người ta đang bàn A, mình xoáy vào a, chỉ làm mất thì giờ nhau. 

Thật ra, những câu chuyện kiểu Trạng Quỳnh rất ư là ... trẻ con. Hơn thua nhau chỉ một hành động láu cá / cunning hay một chữ nào đó thì làm sao có thể nói rằng chúng ta tài giỏi hơn họ. Đó là loại dân khí thấp kém. 

Và, nếu chúng ta chỉ làm theo kiểu Trạng Quỳnh thì suốt đời chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành và không thể nào hoà nhập vào môi trường văn minh phương Tây.

- Giáo sư Nguyễn Tuấn -

Chúng ta may mắn được thừa kế truyền thống vẻ vang và oanh liệt do cha ông để lại. Chúng ta có quyền tự hào, và có trách nhiệm phải viết tiếp những trang vàng truyền thống đó.  

Không tự hào sao được nếu ví lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam là tuổi cụ những 4 nghìn năm, thì của Nga mới tầm tuổi ông với 1 nghìn năm và của Mỹ chỉ đáng tuổi con mới hơn 2 trăm năm. Không tự hào sao được khi chúng ta đã đánh thắng những đế quốc hùng mạnh của các thời đại như Trung Hoa, Mông Cổ, Pháp, Mỹ. Không tự hào sao được khi xuyên suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta vừa chặn đứng thế lực bành trướng ở phía bắc lại vừa mở mang được bờ cõi ở phương nam. Không tự hào sao được khi ở bên cạnh nền văn hóa Đại Hán có sức đồng hóa mãnh liệt mà dân tộc ta vẫn giữ được bản sắc đậm đà riêng có. Không tự hào sao được khi Việt Nam luôn trong top 10 quốc gia có kết quả thi Olimpic toán quốc tế cao nhất...   

Dân tộc ta còn rất nhiều điều đáng tự hào khác nữa mà trong khuôn khổ bài viết này, tôi không thể liệt kê hết được. Là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng "con rồng, cháu tiên", chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó của cha ông. 

Nhân dân ta có nhiểu phẩm chất quí báu như anh hùng, bất khuất, cần cù, thông minh, sáng tạo, khéo léo... Chẳng thế mà có người nước ngoài từng mơ "sáng hôm sau ngủ dậy được thành người Việt Nam". Trong khi sinh ra là người Việt Nam, chúng ta có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh.  

Vậy tại sao vẫn có nhiều người trong cộng đồng dân tộc ta lẽ ra phải phanh ngực hát vang bài ca "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!" * lại vật vã với tâm lí tự ti, nhược tiểu? 

- Chúng ta có non sông gấm vóc giàu đẹp thế, con người tài giỏi thế, tại sao Việt Nam vẫn nghèo, chưa thể so được với các nước trong khu vực, đừng đòi hỏi phải sánh vai với các cường quốc năm châu? – Hơ hơ! Giàu nghèo tại số, cứ đổ quách cho khách quan từ bên ngoài đem đến, đâu phải lỗi nhân dân. 

- Chúng ta có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển rực rỡ, tại sao Việt Nam chưa có tác phẩm nào đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại? – Kiến thức hạn hẹp thế. Chúng ta có Truyện Kiều của Nguyễn Du, có Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, có Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, có thơ Tố Hữu, Xuân Diệu… toàn các danh nhân văn hóa rất đáng được tôn vinh.  

- Chúng ta có bề dày lịch sử bốn nghìn năm, tại sao Việt Nam không có tên trên bản đồ đạo giáo và triết học thế giới? – Nhiều nhà khoa học của chúng ta đang ra sức chứng minh nền văn minh lúa nước Sông Hồng tiến bộ hơn nền văn minh du mục Sông Hoàng Hà, Kinh dịch là sản phẩm của dân tộc ta, và Lão Tử là người Hoa gốc Việt… Ơ kìa!  

-  Tại sao Campuchia có đền đá Angkor, trong khi ta chỉ có chùa Một Cột, chùa gỗ Trăm Gian? – Thế mà cũng đòi so. Họ có nền văn hóa đá thì ta có nền văn hóa ăn, đâu có kém gì nhau, nhỉ! 

- Chúng ta luôn đoạt giải cao trong các kì thi toán quốc tế, tại sao Việt Nam không được công nhận là cường quốc toán học? –  Câu hỏi thật ngây ngô! Người Do Thái có thành tích nào đáng kể trong các kì thi Olimpic toán đâu, tại sao họ đoạt được rất nhiều giải Nobel khoa học thế? Thợ làm toán với nhà toán học là hai khái niệm rất khác nhau, nhé! 

- Một tay nhà báo nào đó đến Châu Âu khi "Gió trút lá, cho mùa thu thay áo" ** đã hứng khởi với cảm xúc đầy tự hào. Về nhà, anh ta viết bài ca ngợi Hà Nội là "Thủ đô cây xanh". – Vậy mà có những kẻ đang tâm tàn sát "thương hiệu" cây xanh của Hà Nội. Thế có đau không chứ? 

- Chúng ta có gần trăm triệu dân, tại sao Việt Nam không có đô thị nào tầm cỡ như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur… mới chỉ là so trong khu vực?  – Ơ! Quên rồi à? Sài Gòn từng là "Hòn ngọc Viễn Đông" đấy.  

- Người Việt Nam nhanh nhẹn, khéo léo, tại sao bóng đá nước ta vẫn thua xa Hàn Quốc, Nhật Bản... khiến cho người hâm mộ ôm nhau khóc ròng trên khán đài mỗi khi tuyển ta thua tuyển bạn? – Phải nhớ là mấy mươi năm trước, mỗi khi thi đấu, bóng đá Việt Nam đều làm gỏi bóng đá Thái Lan nhé! Còn fan ta giờ lại nức nở mỗi khi đội tuyển nước nhà thua đội bóng ất ơ nào đó hơn cả nỗi đau mất người thân? Nhưng dân ta phải tự hào vì điều đó mới đúng, vì đấy là biểu hiện của tinh thần yêu nước nồng nàn chứ. Mà chúng ta thua có khi lại may, không thì hàng nghìn, hàng vạn xe máy ở Hà Nội và Sài Gòn làm loạn đường phố. 

- Người Việt Nam sáng tạo, tại sao chúng ta chưa nghĩ ra trò chơi nào đạt tới tầm cao như bóng đá, tennis, golf, cầu mây…? – Đừng đùa! Đá cầu, đánh khăng, chơi chuyền, ô ăn quan… là các sản phẩm độc đáo của người Việt đấy. 

- Người Việt Nam linh hoạt, tại sao chúng ta không có môn võ nào được đưa vào các sàn thi đấu đỉnh cao quốc tế như judo, karate, taekwondo, boxing, muay thai…? – À, tại vì nhân dân ta thân thiện, không hiếu chiến, cần gì phải nghĩ ra các trò bạo lực vớ vẩn ấy, miễn là cứ có giặc ngoại xâm, hễ đánh là ta "trăm trận, trăm thắng". 

- Dân tộc ta phải như thế nào mới có bao nhiêu người từ nước ngoài lặn lội về tận cố quốc nhận tổ tiên, họ hàng chứ? Như ông Lý Thừa Vãn, tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, quê gốc Bắc Ninh là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường thời nhà Lý. Hay ông Ban Ki Moon, nguyên Tổng thư kí Liên Hợp quốc, tên Việt Nam là Phan Cơ Văn, quê Quốc Oai – Hà Nội là hậu duệ của cụ Phan Huy Chú. Mấy ông này đang được dư luận nước nhà hết lời ca ngợi là người trọng tình, trọng nghĩa. – Cũng phải thôi! Người Việt Nam có đức tính vọng quí, vọng phú chứ không vọng hèn. Mấy ông họ Lý, họ Phan ở Hàn Quốc là Việt Kiều thời xưa đấy. Nhưng các ông ấy là người vương giả, nổi tiếng. Trong khi hơn 5 triệu Việt Kiều thời nay, vẫn thường xuyên về nước thăm cố quốc, viếng tổ tiên, nhận họ hàng lại chẳng được ai màng tới, trừ khi đầu tư dự án hay… gây án. Cũng đều là án cả. 

Nhân dân ta có nhiều phẩm chất quí báu, dân tộc ta rất đáng tự hào nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy nên đất nước ta tạm thời chưa thể ngẩng cao đầu với năm châu bốn bể. Đấy là tại lỗi chúng ta đã "mang cả bốn nghìn năm vào trận thắng" * y như đánh bạc với số phận "lịch sử chọn ta làm điểm tựa" *** vậy. 

Chúng ta cứ mãi huyễn hoặc với quá khứ, tự sướng với niềm tự hào không có thật thì „Dân gần trăm triệu ai người lớn? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con" **** mà thôi. 
_______________________

*Thơ Hoàng Trung Thông. 

**Thơ Olga Bergholz 

***Thơ Tố Hữu. 

****Thơ Tản Đà.

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.