Quán mì Thiệu Ký (Tư Ky) – 70 năm một quán mì giữa Sài Gòn

Chẳng ai còn nhớ rõ món mì có ở Sài Gòn từ bao giờ, chỉ biết rằng món ăn này theo bước chân di cư của người Hoa sang nước ta từ những năm 30 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, món mì chuyển biến theo dòng thời gian với nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có một quán mì mang tên Thiệu Ký ở khu vực quận 11 của Sài Gòn tồn tại gần 70 năm qua vẫn giữ nguyên mùi vị ban đầu…

Chỉ có sự đổi thay ở những người đứng bán vì quán mì này đã có tuổi hơn một đời người và được truyền qua ba thế hệ.

Xe mì Tư Ky ở hẻm 66, Lê Đại Hành

Ăn mì ở hẻm Tư Ky

Nếu có dịp đi ngang đường Lê Đại Hành, quận 11, TP.HCM khúc giao lộ Thuận Kiều, Trần Quý, Hoà Hảo, có thể thấy cuối con hẻm 66 lúc nào cũng có thực khách ngồi kín các bàn ăn. Đó là khách đến ăn mì Thiệu Ký, xe mì được đặt sâu tận cuối hẻm nhưng lúc nào cũng có đông khách. Thiệu Ký là tên chính của quán mì này, nhưng dường như nó không được ai biết đến. Người ta quen gọi nó là mìTưKyvì người sáng lập ra quán mì này tên làTưKy.

Quán mì do một thanh niên người Hoa mở ra vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi người thanh niên này vừa mới đến Sài Gòn và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để khởi nghiệp. Cái tên Tư Ky hiện giờ đã quen thuộc đến mức người ta gọi hẻm 66 đường Lê Đại Hành là hẻm Tư Ky. Chủ quán hiện giờ là ba anh em gọi ông Tư Ky bằng ông ngoại. Và người có thâm niên nhất trong ba anh em này là anh Đặng Phiếu với kinh nghiệm làm mì và đứng bán quán mì khoảng 40 năm. Đầu tiên, quán mì chỉ là gánh mì nhỏ bán quanh khu vực này, sau đó được nâng cấp thành xe mì và cũng được đẩy rong quanh khu người Hoa. Sau năm 1975, xe mì Thiệu Ký yên vị ở cuối hẻm 66. Đến nay đã đổi đến chiếc xe thứ ba, chiếc xe đẩy cuối cùng được thay đổi cách đây khoảng 7 – 8 năm. Đến nay, quán mì này đã được truyền lại đến đời thứ ba. Hơn 70 năm qua, quán mì Tư Ky luôn đều đặn mở cửa từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm, kể cả những ngày lễ, tết.

Bí quyết cho một tô mì ngon

Ăn mì Tư Ky không giống mì ở bất cứ nơi nào vì mỗi ngày cháu ngoại ông Tư Ky phải mất khoảng ba giờ để biến bột nguyên liệu, trứng và phụ gia thành sợi mì. Tại quán mì Thiệu Ký, mỗi ngày cứ vào khoảng 2 giờ chiều là quy trình làm mì tươi lại được tiến hành, kéo dài đến 5 – 6 giờ chiều để cho ra khoảng 18kg mì tươi. Sợi mì phải được làm từ bột mì trộn cùng trứng vịt và nước tro tàu, ủ một thời gian cho dậy bột, sau đó mang bột đi cán và cắt sợi.

Như các nơi bán hủ tíu mì khác, mìTưKycũng có giá, có hẹ và xàlách kèm theo nhiều loại phụ gia, nhưng người ăn sẽ thấy lạ là mì không bị nở dù cho có ăn chậm thế nào. Cọng mì rất giòn và lạ nữa sẽ không làm thực khách khó chịu vì bị dính răng. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, một thực khách lâu năm của quán mì Thiệu Ký cho biết, chị ghiền món mì sườn ở đây không chỉ bởi sườn ngon và nước lèo thơm ngọt mà còn vì cọng mì giòn, dai mà vẫn mềm và không bị nở nhão nên không có cảm giác bị ngán. Nếu ăn mì khô ở đây mà bỏ qua chén nước lèo trong vắt, đầy hành nhưng thật ngọt, thật ngon thì sẽ lãng phí lắm. Khác với người Việt có thói quen dùng chanh, người Hoa lại thích dùng giấm đỏ và nếu thiếu giấm đỏ thì không thể làm nên hương vị mì Tàu. Vì vậy, thực khách cũng đừng quên cho thật nhiều giấm đỏ vào mì khô, cũng chẳng ai giải thích được rằng tại sao cho nhiều giấm đỏ thì mì sẽ ngon hơn. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm riêng mà ai đã từng một lần ăn mì ở đây sẽ khó mà quên được.

Ngoài việc duy trì truyền thống gia đình, nghề bán mì cũng giúp đại gia đình con cháu ôngTưKyđủ đảm bảo cho đời sống. Dù trải qua bao nhiêu năm, có lúc gặp khó khăn về thu nhập nhưng con cháu ôngTưKyvẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ xe mì để tìm đến nghề khác. Có lẽ vị của cọng mì tươi thơm mùi trứng và mùi nước lèo đặc trưng đã trở thành truyền thống xuyên suốt nhiều thế hệ, gia đình ông mãi giữ cho người Sài Gòn một món mì Tàu không thể lẫn vào đâu được.

Umbala Sài Gòn | sgtt.vn
Tại Sài Gòn, để là người thực tế, bạn phải tin vào phép lạ.

Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.