March 2016

Việc Alibababa – một công ty của Trung Quốc thành công ở quy mô toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp Việt cũng đổ tiền vào làm thương mại điện tử với kỳ vọng tái lập lại thành công này tại Việt Nam.



Hàng ngày, chúng ta có thể được nghe các hãng phân tích đã chỉ ra hàng tá lý do để thương mại điện tử có thể thành công tại Việt Nam: Dân số vàng, tỉ lệ tiếp cận mạng Internet lớn, tầng lớp trung lưu tăng nhanh,…

Tóm lại, các hãng phân tích đều khẳng định thương mại điện tử của Việt Nam sẽ là ngôi sao trong khu vực.

Tiềm năng thế, dại gì không nhảy vào. Những kẻ tham vọng thì nghĩ, nếu doanh thu của Alibaba năm 2015 là 12,9 tỉ USD cho thị trường 1 tỉ dân thì Việt Nam, với gần 100 triệu dân, hoàn toàn có thể xây dựng một doanh nghiệp TMĐT có doanh thu trên 1 tỉ USD, một "Alibaba của Việt Nam".

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thị trường TMĐT Việt Nam vài năm trở lại đây, người ta chỉ thấy toàn màu xám. Sau giai đoạn hàng loạt các trang TMĐT được mở ra, thời điểm này đã có không ít doanh nghiệp "xin chết".

Có thể kể ra những cái tên như Foodpanda, Bé yêu, Deca, Nhommua, rồi những trang thương mại điện tử của đại gia nước ngoài như Zalora, Lazada cũng "rục rịch" rời khỏi Việt Nam.

A đây rồi, trang thương mại điện tử tham vọng lớn nhất thời điểm hiện tại, cũng chưa thể ra mắt chính thức dù đã ra bản beta từ tháng 8/2015.

Không ngoa khi nói thương mại điện tử Việt Nam giống như một "chiếc máy xay", sẵn sàng nghiền nát bất cứ tham vọng nào, bất kể tiềm lực của doanh nghiệp lớn đến đâu.

Hóa ra, bức tranh TMĐT Việt Nam không chỉ toàn màu hồng như các hãng phân tích đã "vẽ vời" ra cho khách hàng của mình.

Có một lý do rõ ràng để không bao giờ có một "Alibaba của Việt Nam". Đáng buồn rằng đấy không phải những vấn đề liên quan đến thanh toán, vận chuyển,… mà các doanh nghiệp thường nhắc tới.

Đó là Alibaba lấy hàng Trung Quốc bán ra toàn thế giới, Việt Nam làm gì có hàng để bán.

Alibaba được ra mắt sàn TMĐT đầu tiên của mình vào năm 1997, lúc đó Jack Ma bán gì? Jack Ma kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để trao đổi hàng hóa với nhau (B2B) chứ không bán cho người tiêu dùng đầu cuối.

Alibaba.com ra đời với mục đích ban đầu là bán hàng do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất cho DN nước ngoài, chứ không phải bán hàng trong nước.

Có hai vấn đề ở đây.


Thứ nhất, thị trường của Alibaba.com hướng tới ban đầu không phải là Trung Quốc, mà là thị trường toàn cầu. Như vậy, quy mô thị trường của Alibaba không phải 1 tỉ dân như chúng ta nhầm tưởng, mà là 5 tỉ dân toàn cầu (sau đó mới cộng thêm 1 tỉ dân Trung Quốc với 2 sàn TMĐT Taobao và 1688) mới đúng. Quy mô thị trường của Alibaba không phải lớn hơn 10 lần Việt Nam, mà là hàng chục lần.

Thứ hai, Alibaba làm được như vậy là nhờ bản thân Trung Quốc giai đoạn đó là công xưởng của thế giới. Đây là nơi tập trung sản xuất mọi loại hàng hóa, có giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.

Trong khi đó, năng lực sản xuất của Việt Nam không hề mạnh. Các DN Việt Nam cũng đã thấy điều này khi gần như không mở ra sàn thương mại điện tử B2B nào mà chủ yếu là B2C (doanh nghiệp bán hàng cho người dùng đầu cuối) và C2C (người dùng bán hàng cho nhau).

Tuy nhiên, thiếu đi năng lực sản xuất đồng nghĩa với việc mất đi khả năng cạnh tranh. Lướt qua tất cả các trang thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, chúng ta sẽ thấy gần như tất cả các sản phẩm đều không phải là DN Việt Nam sản xuất, chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Việc không tự sản xuất được khiến các trang TMĐT trong nước lúc nào cũng gặp tình trạng không thể cạnh tranh về giá, chấp nhận lỗ để bù giá và cuối cùng là toàn bán hàng Trung Quốc.

Đáng buồn hơn, lý do này không phải là điều các trang TMĐT trong nước có thể khắc phục được, trừ khi Việt Nam bùng nổ trở thành một "công xưởng thế giới" như Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ.

Rõ ràng, nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, TMĐT của Việt Nam đã bị thiếu hụt lớn.

Giả sử các DN thương mại điện tử Việt Nam đều tiên liệu điều này và đều là người lạc quan, thì người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được mình sẽ trở thành Alibaba của Việt Nam như thế nào.

Đơn giản bởi nhìn đầy đủ mô hình hoạt động của Alibaba, người ta thấy đó không chỉ là một mô hình thương mại điện tử đơn thuần.

Jack Ma "cáo già" hơn chúng ta tưởng. Thay vì tập trung kiếm tiền trên thương mại điện tử, Jack Ma đa dạng hóa nguồn thu của mình thông qua nhiều mảng khác nhau.

Chẳng hạn, bạn sẽ không bao giờ tìm kiếm được sản phẩm gì trên Alibaba bằng việc tra cứu trên Google hay Baidu (mạng tìm kiếm lớn nhất của Trung Quốc). Bạn chỉ có thể tìm được hàng hóa mình khi tìm kiêm nó trên các trang của Alibaba.

Nghĩa là, Alibaba chỉ cho phép người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm của riêng mình, mọi công cụ tìm kiếm khác đều bị chặn. Tất nhiên, việc độc quyền công cụ tìm kiếm giúp Alibaba thu được nguồn lợi lớn từ việc bán vị trí, ưu tiên kết quả tìm kiếm,…

Đây không phải là thương mại điện tử, mà là mô hình kinh doanh của … Google.

Để là Alibaba, chí ít thì trang thương mại điện tử cũng phải vượt qua Google trong lĩnh vực tìm kiếm mua sắm. Thế nhưng, lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến tại Việt Nam đã hoàn toàn bị Google chiếm mất, và chắc chắn sẽ không thể có DN nào vượt qua được nữa.

Không chỉ vậy, Alibaba còn có điện toán đám mây. Hiện tại, mảng điện toán đám mây của Alibaba – Aliyun là nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất Trung Quốc với 23% thị phần trong nước.

Nếu bạn nghi ngờ khả năng thành công của điện toán đám mây, hãy nhìn sang một ông lớn khác của lĩnh vực TMĐT là Amazon. Thực tế cả chục năm nay, Amazon làm TMĐT chưa bao giờ có lãi, lãi lớn nhất của Amazon hiện tại đến từ dịch vụ đám mây AWS của hãng.

Đấy là chưa kể Jack Ma còn mở rộng Alibaba ra hàng tá những công cụ khác như tiếp thị liên kết, thanh toán điện tử,… và cuối cùng, không thể không nhắc tới là sự "chống lưng" của Chính phủ Trung Quốc phía sau.

Có thể thấy, nếu chỉ coi Alibaba là hình mẫu của mô hình TMĐT, chúng ta đã hiểu thiếu đi khá nhiều. Alibaba là một công ty công nghệ tập trung nhiều loại mô hình, trong đó TMĐT chỉ là một phần của bộ máy.

Nhìn theo góc độ này, liệu chúng ta còn dám hy vọng vào một "Alibaba của Việt Nam"?

Trang Lam
Theo Trí Thức Trẻ

Một báo cáo mới đây của Credit Suisse cho thấy Zara và H&M đang "tàn sát" các đối thủ khác trong ngành bán lẻ thời trang tại Mỹ.



Công ty Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu Zara đang ngày một lớn hơn khi doanh số đang tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Doanh số bán hàng của Inditex đã tăng 15,4% trong năm 2015 lên 22,9 tỷ USD nhờ sự hồi phục chi tiêu của người tiêu dùng tại Tây Ban Nha.

Trong khi những hãng bán lẻ quần áo thời trang khác như Gap, J.Crew, Urban Outfitters đang gặp khó khăn thì Zara lại tăng trưởng khá tốt nhờ chi phí thấp và kiểu dáng thời trang bắt kịp xu thế.

Tăng trưởng doanh số của Inditex qua các năm (%)

Zara đã mở thêm 330 cửa hàng tại 56 thị trường trên toàn cầu trong năm ngoái, nâng tổng số các chi nhánh lên 7.013 cửa hàng. Tuy nhiên, Inditex cho biết hãng sẽ tập trung hơn vào kênh bán hàng trực tuyến và giảm mở mới thêm các cửa hàng.

CEO Pablo Isla của Inditex nói rằng hãng không phân biệt kênh phân phối trực tuyến và kênh bán lẻ. Trên thực tế, việc kinh doanh trực tuyến đã thúc đẩy các khách hàng đến những cửa hàng của Zara, qua đó hỗ trợ doanh thu lẫn nhau.

Ngoài ra, chính sách đưa ra các mẫu sản phẩm mới 2 lần một tuần với số lượng có hạn cũng thu hút người tiêu dùng đến với các cửa hàng trên toàn thế giới của Zara.

Mô hình kinh doanh này khác nhiều so với các đối thủ của hãng. Lấy Gap làm ví dụ, hãng thường đưa ra một bộ sưu tập thời trang theo mùa và để chúng trong nhiều tuần tại các cửa hàng bán lẻ, khiến người tiêu dùng không có lý do gì để quay lại kiểm tra những chi nhánh này nữa sau khi đã xem hàng.

Lưu lượng khách hàng quay lại với các chi nhánh là một vấn đề lớn với Gap dù hãng là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ 3 thế giới sau H&M và Zara. Nhiều chi nhánh bán lẻ của Gap có lưu lượng khách hàng đến tham quan rất thấp và thậm chí nhiều nhà đầu tư Phố Wall đã phải nhận định tiêu cực về cổ phiếu của Gap.

Tăng trưởng doanh số tại thị trường Mỹ của H&M và Zara cao hơn hẳn các hãng bán lẻ thời trang khác (%).

Điều này hoàn toàn trái ngược với những cửa hàng bán lẻ của H&M và Zara khi luôn có khách hàng đến kiểm tra mẫu hãng mới và mua sắm. Một báo cáo mới đây của Credit Suisse cho thấy Zara và H&M đang "tàn sát" các đối thủ khác trong ngành bán lẻ thời trang tại Mỹ.

Bên cạnh đó, giá các sản phẩm của Zara cũng rẻ hơn Gap và thậm chí hãng thời trang này đang có xu thế giảm chi phí cùng hạ giá thành để tăng cường áp lực cạnh tranh.

Theo tính toán của Credit Suisse, Zara đã giảm giá 36% đối với các sản phẩm giá rẻ của hãng trong vòng 18 tháng tính đến tháng 11/2015. Trong khi đó, phân tích của hãng Societe Generale cho thấy việc hạ giá này của Zara đang kích thích người tiêu dùng mua sảm phẩm của hãng và chúng có tác động không thua kém gì một đợt đại hạ giá.

Hoàng Nam | Theo Trí Thức Trẻ

Mọi người thường tìm kiếm mùi hương phù hợp với bản thân thông qua một cửa hàng nước hoa truyền thống. Điều này giờ đây chẳng còn mang nhiều ý nghĩa nữa



Liệu bạn có thể biết mình có thích một loại nước hoa mà chưa hề được ngửi mùi? Việc khơi gợi cảm giác về mùi trong không gian số là bất khả thi. Tuy nhiên theo báo cáo gần đây của L2, các thương hiệu và nhà bán lẻ có thể dần thu hẹp khoảng cách đó, ít nhất là trực quan..

Từ Sephora đến Yves Saint Laurent, một vài thương hiệu nước hoa bán chạy hay các nhà bán lẻ cũng bắt đầu dựa vào đánh giá về sản phẩm, hình ảnh và nhận xét từ cả người hâm mộ cũng như người có ảnh hưởng để bán nước hoa. Các thương hiệu này không quá phụ thuộc vào việc phải có cửa hàng để trưng bày sản phẩm.

"Nước hoa không nằm trong danh mục sản phẩm có thể khiến khách hàng mua chỉ bằng trực quan. Tuy vậy, các thương hiệu thông minh đang bắt đầu nhận thấy chai nước hoa được đóng gói đẹp mắt đóng vai trò quan trọng trong thể hiện câu chuyện thương hiệu," Jenny Shen, nhà nghiên cứu tại L2 nói.

"Nội dung do chính người dùng tạo ra (User-generated content-UGC) có thể không nhiều nhưng thực sự có thể nâng cao sức hấp dẫn của thương hiệu. Đây là một phần trong chiến lược tổng thể."

UGC giúp người tiêu dùng có cơ hội kết nối trực tiếp hơn với thương hiệu, gia tăng sự trung thành thương hiệu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng UGC giúp các thương hiệu tăng tỷ lệ chuyển đổi thêm khoảng 12%.

Dưới đây là cách 4 thương hiệu nước hoa ứng dụng UGC:

Sephora

"Beauty Board" là nền tảng xã hội giống Pinterest, cho phép người dùng đăng tải những hình ảnh trang điểm của họ. Những bức ảnh này cũng giúp người khác có thêm gợi ý để mua sắm sản phẩm tương tự.



Sephora đã phân loại UGC của mình. Thương hiệu này rất thành công trong việc sắp xếp cả những sản phẩm gợi ý mà mình bán. Ví dụ như Flowerbomb của Viktor & Rolf, Black Opium của Yves Saint Laurent hay La Vie Est Belle của Lancôme.

Yves Saint Laurent

Báo cáo của L2 nhận định rằng Yves Saint Laurent là thương hiệu sử dụng UGC thành công nhất. Trang sản phẩm giới thiệu loại nước hoa Black Opium không chỉ có những bản vẽ đẹp, video ấn tượng mà còn có hẳn một bộ sưu tập những nội dung do người dùng tạo ra.



Tuy không phải là thương hiệu duy nhất sử dụng UGC trong trang sản phẩm nhưng YSL lại có cách thức thể hiện bài bản. Mặc dù sử dụng chung hashtag #yslbeauty nhưng trang web sẽ phân loại nội dung về những sản phẩm cụ thể.

Dolce and Gabbana

Ngoài UGC tự nhiên, một số thương hiệu mời người có ảnh hưởng tạo ra những cuộc trao đổi xung quanh sản phẩm nước hoa của mình. Ví dụ gần đây D&G có thuê chuyên gia trang điểm Brazil Camila Coelho và blogger thời trang Tây Ban Nha Gala Gonzalez lan truyền những nột dung liên quan đến nước hoa "Light Blue".



"Đối với nhiều thương hiệu, người có tầm ảnh hưởng là cách hoàn hảo nhất để tạo ra UGC," Chris Gilbert, chuyên gia truyền thông tại Kelly nói. Tuy những nội dung này không phải được tạo ra một cách tự nhiên, nhưng cũng đủ giúp các hãng bán được khá nhiều sản phẩm.

Marc Jacobs

Trong suốt New York Fashion Week 2014, Marc Jacobs đã mở cửa hàng pop-up (những cửa hàng có thể mọc lên rồi đóng cửa bất cứ lúc nào) cho nhãn hiệu nước hoa Daisy của mình. Tại đây, người hâm mộ có thể sử dụng ảnh Instagram của thương hiệu như tiền để mua nước hoa, ví và túi xách. Tất cả mọi người khi đăng tải một bức ảnh trên Instagram với hashtag #mjdaisychain đều nhận được 1 chai nước hoa dạng lỏng, dạng lăn hoặc nước hoa khô. 10 người đầu tiên đăng ảnh sẽ nhận được một chai nước hoa cỡ lớn.

Các của hàng này còn cắt sửa móng tay miễn phí và in những tấm ảnh được khách hàng chụp trong cửa hàng của họ.

Mai Lâm
Theo Trí Thức Trẻ

Mọi xu hướng rồi cũng quay về giải quyết vấn đề cơ bản là khách hàng đang muốn nghe điều gì, đang cần gì và thương hiệu đáp lại kỳ vọng này như thế nào. Content marketing cũng vậy.


Thuật ngữ Content Marketing (Tiếp thị Nội dung) gần đây được sử dụng như một từ khoá thời thượng trong giới marketing. Phương thức tiếp thị này cũng được nhiều doanh nghiệp tin dùng để tiếp cận các khách hàng hiện có và khách hàng tiềm năng.

Vậy Content Marketing là gì, nó có thực sự là vũ khí sắc bén như giới marketing đang ca ngợi? Bài viết sau của tác giả Nguyễn Đức Sơn sẽ phần nào làm sáng tỏ câu hỏi này.

Content Marketing (tiếp thị nội dung) là tạo ra và phát tán những nội dung có giá trị, phù hợp và nhất quán để Thu hút và Chiếm được nhóm khách hàng mục tiêu xác địch. Tiếp thị nội dung có mục tiêu thúc đẩy hành động của khách hàng để mang về lợi nhuận (Content Marketing Institute).

Content marketing có hai hình thức thể hiện là Content Creation (tạo ra nội dung mới) và Content Curation (thu thập và chia sẻ các nội dung có sẵn).

Người làm nghề phải nghĩ ra nội dung mới và chuyển tải nội dung đó bằng các hình thức thể hiện phù hợp qua hình ảnh hoặc ngôn ngữ như bài viết chuyên môn, ảnh, videos hoặc hình vẽ minh hoạ (infographics). Trong thời đại số ngày nay, các status trên Facebook và tweets trên Twitter dần trở thành hình thức giao tiếp nội dung rất có sức mạnh. Dù chỉ được gọi là micro content, nhưng hình thức giao tiếp này tác động khá lớn đến hành vi của người tiêu dùng - mục tiêu tối thượng của Content Creation (tạo nội dung).

Vâng chúng ta đang bàn luận về mục tiêu tối thượng của content marketing là tác động đến hành vi của người tiêu dùng. Thật ra kể cả khi chưa có những thuật ngữ thời thượng như content marketing, đây cũng đã là mục tiêu cuối cùng cần đạt tới của mọi hình thức hoạt động marketing rồi. Vấn đề là khi có nhiều "đao pháp" trong tay, người sử dụng lắm lúc mải chạy theo sự hào nhoáng của công cụ mà có thể quên đi rằng "đao pháp" được sử dụng không phải vì nó trông thế nào, mà vì đối tượng nó hướng tới là ai.

Đầu tiên chúng ta lấy ví dụ về sự kiện ngừng xuất bản báo giấy của tạp chí lâu đời Newsweek tại Mỹ.

Ngày 31/12/2012 là ngày ra mắt cuối cùng tờ báo in Newsweek. Theo giải thích của tờ báo, họ buộc phải dừng xuất bản vì không chống lại được xu thế phát triển quá mạnh của báo mạng. Nhưng liệu đây có phải là nguyên nhân chính?

Theo gám đốc trung tâm sáng tạo tạp chí của trường Đại học Báo chí Mississippi, người "giết chết" Newsweek chính là Tổng biên tập Tina Brown. "Bà ấy đã đưa Newsweek đi lạc đường", "Newsweek không chết. Newsweek chỉ đang tự tử mà thôi". Trang bìa Newsweek từng đăng hình minh họa Tổng thống Barrack Obama và giật tít… "Liệu có tổng thống gay (đồng tính) đầu tiên hay không". Một trang bìa khác vào tháng 7/2011 gây tranh cãi dữ dội khi phác họa giả tưởng hình công nương Diana ở tuổi 50.

Nếu đúng như nhận định trên, Newsweek đang chạy theo trào lưu thể hiện nội dung mà nhiều tờ báo cũng như nhiều thương hiệu đang chạy theo trong thời đại ngày nay: gây sốc để thu hút sự chú ý.

Content marketing là tạo ra nội dung phù hợp với khách hàng phù hợp để họ có hành vi phù hợp mang lại doanh số và lợi nhuận cho thương hiệu. Báo mạng đang thay thế báo giấy. Xu thế này đã và đang làm khổ sở báo giấy. Nhưng dù cho mạng hay giấy thì vẫn phải thoả mãn nội dung phù hợp. Có vẻ như Newsweek đang trượt khỏi đường ray một yêu cầu rất cơ bản.

Content marketing, cho dù dưới hình thức nào, cũng cần phải tạo được sự chú ý, gây hiệu ứng và tác động đến hành vi (có lợi) cho thương hiệu. Trước khi tác động đến hành vi cần gây được sự chú ý. Nhưng câu hỏi rất quan trọng là chú ý về cái gì? Chúng ta cùng phân tích về trường hợp gây chú ý (do vô tình) của thương hiệu Starbucks có phải là một content marketing phù hợp.

"Sự phổ thông hoá trải nghiệm Starbucks" - Howard Schultz đã viết tiêu đề thư như vậy khi khi email đến bộ máy quản trị sau khi ông quay lại giữ vị trí điều hành năm 2008. Giai đoạn đó Starbucks vẫn đang phát triển vượt bậc. Năm 1992 giá trị vốn hoá là 250 triệu đô. Năm 2006 là 24 tỷ đô. Starbucks là chuỗi bán lẻ được khách viếng thăm nhiều nhất thế giới - 45 triệu lượt khách mỗi tuần.

Không biết vì lý do gì, bức tâm thư này đã bị rò rỉ. Và hầu như mọi phương tiện truyền thông tại Mỹ đều đăng tải. Từ wall Street Journal, Bloomberg, CNN đến các tờ báo lá cải. Earned media như vậy là quá khủng. Nhưng liệu Starbucks có cần điều này không?






Sau đây là chia sẻ của Chủ tịch Starbucks: chúng tôi không hoàn hảo, nhưng những điều tốt đẹp, những giá trị cũng như những nỗ lực hành động để làm mình khác biệt với các công ty khác đều bị nhấn chìm trong tranh cãi của công luận.

Starbucks không cần sự chú ý ồn ào nhưng chả mang lại giá trị này.

Người ta cứ nói về "Content" thay vì tập trung đào sâu về những vấn đề thực sự của thương hiệu. Và tôi cho rằng đó thực sự là một vấn đề lớn, một sự thiếu khôn ngoan diễn ra gần đây trong ngành quảng cáo. (Dave Trott, Copywriter).

Một nhận định chính xác. Các thương hiệu đều có vấn đề của riêng mình. Mục tiêu của của riêng mình và khách hàng của riêng mình. Mọi xu hướng rồi cũng quay về giải quyết vấn đề cơ bản là khách hàng đang muốn nghe điều gì, đang cần gì và thương hiệu đáp lại kỳ vọng này như thế nào.

Một marketer ngày nay có làm tốt công việc của mình có lẽ cũng chẳng liên quan nhiều đến việc anh ta có biết và nghiên cứu về content marketing hay không. Biết sử dụng nhiều vũ khí khác nhau là một lợi thế. Nhưng kẻ mang trên mình nhiều vũ khí thì không đủ để định nghĩa đó là một chiến binh chiến đấu giỏi.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Đức Sơn
Theo Trí Thức Trẻ

Về tác giả:
Ông Nguyễn Đức Sơn học Master chuyên ngành Marketing tại Đại học Sydney của Úc. Hiện nay ông là Giám đốc điều hành của Richard Moore Associates (RMA) và là Chủ tịch sáng lập Học viện Thương hiệu Plato.

Điều gì có thể khiến một chiến dịch tiếp thị đạt được hiệu quả? Băn khoăn về điều này, Warc đã tiến hành phân tích hơn 2,000 chiến dịch chiến thắng từ 79 cuộc thi khác nhau.



Sử dụng phương pháp được phát triển cùng Đại học Hoàng gia London, đơn vị này đã đưa ra danh sách 100 chiến dịch tiếp thị toàn cầu hiệu quả nhất và cả những công ty dẫn đầu thế giới về quảng cáo.

Công ty đứng đầu danh sách này là Procter & Gamble với 9 chiến dịch lọt vào top 100, các vị trí sau đó thuộc về Unilever và Coca- Cola.



Vậy bí quyết nào dẫn đến thành công của P&G? Theo Roisin Donnelly, Giám đốc thương hiệu tại P&G Bắc Mỹ, công ty luôn có sự hiểu biết sâu sắc với khách hàng.

"Ngành công nghiệp của chúng tôi đang bị phá vỡ bởi các mô hình tiếp thị, bán hàng mới và cả những nhà bán lẻ mới. Người tiêu dùng hiện nay luôn tiếp cận với công nghệ mới với thời đại số minh bạch hơn. Tuy vậy, bí quyết để dẫn đến sự thành công lại không hề thay đổi. Đó là hiểu biết sâu sắc người tiêu dùng hơn bất kỳ ai, tạo ra những sản phẩm họ cần, khiến họ cảm thấy hài lòng khi nhìn thấy bạn ở bất cứ đâu", cô nói.

Thực tế thì có một vài điều quan trọng mà các thương hiệu có thể học hỏi, nhằm tạo ra các chiến dịch tiếp thị thành công và nâng cao kết quả kinh doanh.

Kỹ thuật số

Theo phân tích của Warc, 11 trong top 20 chiến dịch (tức 55%) hàng đầu đều là các chiến dịch sử dụng truyền thông xã hội hoặc video trực tuyến.

Báo cáo có đưa ra một ví dụ đáng chú ý là 'Live Test Series' của Volvo Trucks. Chiến dịch này đứng thứ 5 trong danh sách các chiến dịch toàn cầu thành công nhất. Series ghi hình trực tiếp này đã thu hút 100 triệu lượt xem trên Youtube và đẩy doanh thu tăng lên 23% trong quý IV 2013. Hay xếp vị trí thứ 6 là "If We Made It" của Newcastle Brown Ale cũng giúp hãng này tăng đến 20% số lượng hàng bán ra.

Kỹ thuật số đang thực sự đóng vai trò lớn trong các chiến dịch. Bobby Brittain, Giám đốc tiếp thị Coca-Cola ở Anh nói về việc các thương hiệu đang tìm kiếm các nền tảng mới để tiếp cận khách hàng: "Tiếp thị số và truyền thông xã hội là điều không thể thiếu trong kế hoạch của chúng tôi. Từ năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu tử dụng các nền tảng mới như là Snapchat. Chúng tôi đã có một chiến dịch Giáng sinh thành công và thu được nhiều kết quả tích cực."

Tuy nhiên, David Tiltman, Giám đốc nội dung tại Warc vẫn còn nhiều điều nghi ngại. Ông cảnh báo rằng kỹ thuật số có thể mang lại hiệu quả, một phần là do chúng đòi hỏi ngân sách thấp. Nhưng trong thực tế các chiến dịch này vẫn cần sự hỗ trợ của những phương pháp khác để đạt hiệu quả tích cực nhất.

Ví dụ, Volvo Trucks kết hợp giữa video trực tuyến và PR trong khi #LikeAGirl bắt đầu qua kênh trực tuyến nhưng sau đó lại được hỗ trợ bởi một quảng cáo tại Super Bowl.

"Rất nhiều chiến dịch số được hậu thuẫn bởi quảng cáo trả phí, dù là online hay offline. Đây là những chiến dịch thiên về kỹ thuật số chứ không nhất thiết phải sử dụng duy nhất các công cụ kỹ thuật số", ông giải thích.

Quảng cáo những điều tốt đẹp

Được tiên phong bởi Dove, nhãn hiệu thuộc Unilever trong 10 năm qua, ngày càng có nhiều thương hiệu thể hiện lập trường tiến bộ xã hội trong chiến dịch của mình. Đó có thể là khuyến khích phụ nữ tham gia các môn thể thao như chiến dịch "This Girl Can" của Sport England hay yêu cầu phụ nữ thách thức những giá trị truyền thống thông qua 'Touch the pickle' của thương hiệu Whisper từ P&G.

Donnelly giải thích lý do tại sao những chiến dịch trên thành công: "Tiếp thị có sức mạnh đáng kinh ngạc giúp tiếp cận cũng như chiếm lấy tâm trí, trái tim người tiêu dùng. Bạn có thể thấy điều này ở P&G với thành công trên toàn cầu của các chiến dịch như #LikeAGirl. Ở P&G, chúng tôi thấu hiểu được sức mạnh của tiếp thị. Đó là cách giúp chúng tôi tạo ra những chiến dịch truyền cảm hứng, chiếm được niềm tin và lòng trung thành của người tiêu dùng nhưng đồng thời tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng."

Hầu hết các thương hiệu chọn đưa ra những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi. Ví dụ như việc trao quyền cho phụ nữ hay giảm thiểu thực phẩm lãng phí. Chiến dịch mới nhất 'Taste the Feeling' của Coca-Cola tập trung vào tăng doanh số các sản phẩm calo thấp của mình.

Brittain chia sẻ: "Chiến dịch 'Taste the Feeling' của chúng tôi mang chiến lược của thương hiệu đến gần hơn với cuộc sống. Chúng tôi kết hợp sản phẩm và tiếp thị thương hiệu trong các câu chuyện kể, sử dụng những khoảnh khắc đời thường để kết nối với người tiêu dùng. Đây là một cách để chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm của Coca-Cola phù hợp với khẩu vị, lối sống và chế độ ăn uống của mình."

Không có chiến lược one-size-fits-all (Một chiến lược phù hợp cho tất cả)

Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của bản báo cáo là phạm vi lớn các phương tiện truyền thông được sử dụng trong các chiến dịch top đầu. Một số sử dụng những quảng cáo sáng tạo tại điểm bán, một số khác sử dụng những bao bì được cá nhân hóa. Video trực tuyến, truyền hình truyền thống hay ứng dụng mobile, tất cả đều có thể được tìm thấy trong top 10 chiến dịch xuất sắc nhất.

Chiến dịch 'Penny the Pirate' được thực hiện bởi chuyên gia nhãn khoa Úc OPSM. Chỉ với một cuốn sách và một ứng dụng, chiến dịch làm nổi bật vấn đề thị lực ở trẻ em. Đã có hơn 126,000 cha mẹ mua sách và số lượng đặt chỗ để kiểm tra mắt tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số được cải thiện, tăng đến hơn ⅕ (22,4%).

"Kết quả này cho ta thấy không có chiến dịch nào thành công chỉ với một phương tiện truyền thông duy nhất", Titman nói.

Mai Lâm | Theo Trí Thức Trẻ

Lời nói có thể tạo ra hình ảnh, nhạc điệu, cảm xúc. Là sức mạnh của tiếp thị truyền miệng, radio có thể trở thành bạn của marketing.


Thương hiệu trên radio

Ngày 1/12/2015, radio show "Ai cũng thiếu tiền" do Ví MoMo tài trợ đồng loạt phát sóng tại TP.HCM, 5 tỉnh Đông Nam Bộ, 13 tỉnh miền Tây, tiếp sóng ra Bắc và Bắc Trung Bộ qua Nghệ An và Thái Bình.

Ví MoMo là một Fintech (Finance Technology). Bằng công nghệ, Ví MoMo cho phép chuyển tiền mặt tới người cần chuyển trong vài phút. Lần này, Ví MoMo muốn thuyết phục những người ít dùng ngân hàng bỏ thói quen chuyển tiền mặt qua xe khách chậm và rủi ro, đổi sang dùng Ví MoMo. Nghe thì thế, nhưng tiền chứ có đùa đâu! Có an toàn không, có gì đáng lo không? Ví MoMo có phải là ngân hàng không, gửi thế nào?

Đại loại là có hàng trăm câu hỏi mà người dùng nghĩ tới và muốn hỏi, nhưng lại không hỏi. Vì ngại, vì phía nhãn hiệu cũng có đủ mọi câu trả lời rồi. Nhưng băn khoăn là băn khoăn, niềm tin không dựa vào đúng sai, sự lựa chọn của người tiêu dùng dựa vào cảm xúc.

Một khi có mong muốn thì mới tìm cách hành động, và Ví MoMo đã xuất hiện với show trò chuyện có tên: "Ai cũng thiếu tiền", mời gọi các thính giả gọi điện trực tiếp tới và thoải mái bàn luận chuyện tiền bạc. Show này mới nhưng hiệu quả dành cho Ví MoMo thấy ngay từ số đầu tiên.

Ví MoMo quả rất hiểu người dùng khi quyết định chọn content marketing cho một dịch vụ tài chính công nghệ đầy tính đột phá. "Bạn phải dẫn dụ được tình cảm của con người. Họ luôn mua với trái tim và niềm tin, không chỉ với tâm trí của họ", Lou Gerstner, cựu CEO của IBM, nói.

Cũng như Ví MoMo, rất nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam đã dùng radio để giữ niềm tin của người tiêu dùng. Tập đoàn Thaco - Trường Hải Auto, Dầu nhớt Shell, Sữa Dutch Lady, Dầu nhớt BP... là những điển hình thành công với những show trò chuyện trực tiếp với khách hàng, là bằng chứng xác thực cho mối quan hệ nhãn hiệu và người dùng đang tin tưởng nhau thế nào.

Đó là cách xây dựng thương hiệu qua radio: đi thẳng vào tiềm thức, định cư trong tâm trí, kích hoạt cảm xúc của khách hàng, chia sẻ, đồng cảm, giãi bày tâm tư với nhãn hiệu. Khi đó, người dùng sẽ biết sản phẩm, tin sản phẩm, tìm mua sản phẩm rồi mới kiểm tra sản phẩm. Sản phẩm tự lên tiếng, tức là nhãn hiệu đã có thương hiệu.

Mạng xã hội bằng giọng nói
Radio chứa đựng giải pháp hoàn hảo cho truyền thông và tiếp thị hiện đại, đó là: nội dung và tương tác. Xây dựng thương hiệu cần nhất là khả năng tương tác người dùng liên tục, gắn với đời sống người dùng, làm tăng nhanh độ nhận biết.

Bằng cách kết nối điện thoại thẳng vào studio, radio dễ dàng tạo ra nguồn nội dung sinh động, hấp dẫn, được kiến tạo bởi người dùng. Trong khi nhiếp ảnh, báo viết và truyền hình chạy ra đường tìm tin tức, phỏng vấn ai đó, thì radio trong studio và cuộc sống tràn vào qua các cuộc điện thoại thính giả gọi đến. Có hàng ngàn cuộc điện thoại nhưng chỉ vài cuộc được lên sóng.

Điều này không ngăn cản số người gọi tới ngày một nhiều hơn. Bạn cũng vậy, bạn muốn nghe giọng của mình trên sóng không? Ngay cả Facebook hoặc chat, bạn phải chờ người bên kia gõ bình luận xong và nhấn nút gửi đi. Còn trên radio, bạn có thể cướp lời, nói tranh cả khi người kia chưa nói xong. Và hàng triệu người đang nghe thấy điều đó. Bạn không cần dùng biểu tượng cảm xúc, cứ nghe giọng bạn lạc cả đi vì xúc động hoặc trìu mến thì đâu cần giải thích gì thêm.

Xây dựng cộng đồng là sức mạnh của radio. Chương trình "Về ăn cơm" của Dutch Lady hiện có hơn 12 triệu người nghe tại 43 tỉnh - thành phố, trong đó phân nửa là phụ nữ - khách hàng mục tiêu của nhãn hiệu này. "Sài Gòn FM" giúp Thaco tiếp cận với 2,6 triệu khách hàng tiềm năng trên tổng số 6,5 triệu dân tại TP.HCM, một cái post trên Fanpage cũng đạt gần 30.000 người một ngày.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trên radio có thể làm được như thế?
Vì radio vừa đại chúng, vừa bí mật

Nếu bị chĩa máy quay vào mặt, bật đèn sáng trưng rồi bảo hãy chia sẻ những tâm sự thật lòng, thực là không dễ! Trong khi đó, cầm điện thoại, nằm ngồi ở nơi bất kể, ăn mặc ngoại hình tuỳ ý, đều có thể lên sóng dễ dàng! Chỉ vài phút nói chuyện, nhiều khi bạn quên mất là đang lên sóng mà nghĩ rằng đây là cuộc trò chuyện điện thoại. Sự dễ dàng, riêng tư, tính ẩn mình và cảm giác gọi lên đài phát thanh kích thích các cá nhân hành động trong giây phút họ muốn.

Chẳng hạn, khi nhãn hiệu Dutch Lady muốn làm thân với những phụ nữ nông thôn, người đi chợ và quyết định chính các món đồ trong giỏ của họ, Hãng đã lựa chọn trở thành người trò chuyện trong một radio show có tên là "Về ăn cơm", phát vào đúng giờ ăn cơm trưa và chiều mỗi ngày, và nói về các món ăn, dinh dưỡng, cách chăm con cái, cách giữ chồng, cách đối đãi với cha mẹ...

Hãy hình dung vẻ hạnh phúc của người phụ nữ khi mâm cơm đầy đủ và cất tiếng gọi chồng, gọi con: "Về ăn cơm!". Mâm cơm hằng ngày do khách hàng nấu, còn mâm cơm trên sóng do Dutch Lady bày biện, rất vui và đầm ấm. Tuần mấy lần, một năm mấy trăm lần sum họp, đủ mọi chuyện thực tế do các thành viên gia đình đang quây quần quanh mâm cơm bàn tán và chủ động gọi lên đài chia sẻ.

Các gia đình, với nhiều thế hệ, không coi Dutch Lady thuần tuý là nhãn hiệu sữa, mà coi Dutch Lady là bạn, nói thẳng ra những băn khoăn về dinh dưỡng cho con cái. Niềm tin vào thương hiệu được xác lập ở mức cao nhất.

Khi khách hàng bận đôi tay, bận đôi mắt, phải di chuyển mà các nhà marketing vẫn muốn tác động tới họ thì chỉ có cách dùng radio. Công nhân trong nhà máy, bà nội trợ đang nấu cơm, người đi ô tô bị nhốt kín trong chiếc hộp, sinh viên học bài, nông dân đang cày cuốc, chăn gia súc, tiểu thương bán hàng trong chợ, ngư dân lênh đênh trên biển hay các doanh nhân tới nơi làm việc bằng xe hơi, và tất cả những ai nằm trong vùng phủ sóng đều có thể nghe radio.

Theo NGÔ THỊ CẨM TÚ - Đồng sáng lập, Giám đốc Kinh doanh MegaMedia | DNSG

Tiếp thị hướng nội (inbound marketing) là những hoạt động tiếp thị nhằm đưa khách hàng chủ động tìm đến doanh nghiệp, chủ yếu dưới hình thức ghé thăm trang web của doanh nghiệp, thông qua việc sản xuất các nội dung thú vị trên mạng internet, thay vì sử dụng các hình thức quảng cáo để gây sự chú ý của khách hàng.


Hình thức tiếp thị này đang trở thành một xu hướng phổ biến vì đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Trên thực tế, cứ 4 công ty trên thế giới thì có 3 công ty hiện đang xem tiếp thị hướng nội là một ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, theo Larry Kim - nhà sáng lập của WordStream, có một số trường hợp sau đây doanh nghiệp không nên đẩy mạnh tiếp thị hướng nội.

1. Khi khách hàng mục tiêu không tìm thông tin về doanh nghiệp trên mạng internet
Hãy hình dung khách hàng lý tưởng của doanh nghiệp là một giám đốc tiếp thị của một công ty lớn thuộc danh sách Fortune 500. Liệu vị khách hàng này có sẵn sàng bỏ ra đến 10 phút trong một ngày làm việc cực kỳ bận rộn để tìm thông tin về những chủ đề mà doanh nghiệp đang viết trên Google hay không? Khả năng này sẽ khá thấp.

Dĩ nhiên, những khách hàng – chuyên gia như thế thỉnh thoảng sẽ có đọc bài đăng trên các mạng xã hội như LinkedIn, nhưng họ sẽ không để mất quá nhiều thời gian trên những mạng này.

Vì vậy, Kim khuyên, nếu thị trường mục tiêu của doanh nghiệp chỉ là một nhóm khách hàng nhỏ có đặc điểm là ít dành thời gian cho việc truy cập internet thì doanh nghiệp nên kết nối với họ thông qua các hình thức xây dựng quan hệ truyền thống, như tổ chức các sự kiện, hội thảo bên ngoài.

Trường hợp sử dụng các mạng xã hội như Google, Facebook hay LinkedIn thì nên tiếp cận trực tiếp đến những khách hàng này thay vì sản xuất các nội dung hướng đến số đông khách hàng.

2. Khi năng lực phục vụ khách hàng của doanh nghiệp còn hạn chế
Không phải công ty nào cũng được lập ra với một nguồn lực hùng hậu để có thể phục vụ một số lượng lớn khách hàng tìm đến với mình thông qua các kênh tiếp thị hướng nội.

Chẳng hạn, Kim khuyên, nếu là một công ty tư vấn chỉ có thể phục vụ tối đa khoảng 20 khách hàng thì doanh nghiệp có lẽ không cần dùng tiếp thị hướng nội để thu hút thêm khách hàng mà tốt nhất nên sử dụng các hình thức đơn giản hơn như nhờ khách hàng hiện tại giới thiệu khách hàng mới.

Hoặc khi doanh nghiệp tuy là một công ty thương mại điện tử nhưng sản phẩm bán ra lại là một mặt hàng được sản xuất thủ công với số lượng hạn chế thì việc tiếp thị nội dung qua các mạng xã hội sẽ không phù hợp. Lý do là, hình thức tiếp thị này sẽ có thể làm cho số lượng đơn hàng của doanh nghiệp tăng lên đột biến trong một thời gian ngắn khiến doanh nghiệp khó có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

3. Khi doanh nghiệp muốn có những khách hàng triển vọng có chất lượng
Nếu chỉ làm tiếp thị hướng nội và hoàn toàn bỏ qua tiếp thị hướng ngoại, doanh nghiệp sẽ khó có thể tìm được những khách hàng triển vọng có chất lượng.

Kim đưa ra ví dụ doanh nghiệp tiếp thị qua mạng LinkedIn và chỉ thụ động chấp nhận các yêu cầu kết nối do khách hàng gửi đến. Trường hợp này chắc chắn sẽ không hiệu quả bằng việc doanh nghiệp chủ động dành nhiều thời gian để mở rộng quan hệ với những khách hàng có chất lượng mà có thể đã không nghĩ gì đến việc kết nối với doanh nghiệp trước đó.

Nghĩa là doanh nghiệp sẽ không tìm được những khách hàng tốt nhất vì những khách hàng này có thể không chủ động tìm kiếm các sản phẩm hay giải pháp của doanh nghiệp.

Theo Kim, một trong những thách thức lớn nhất đối với tiếp thị hướng nội là doanh nghiệp thật sự không tạo ra nhu cầu mới cho sản phẩm hay dịch vụ của mình mà chỉ là nỗ lực lấy thêm cho mình một thị phần từ nhu cầu đang tồn tại.

Đó cũng là lý do vì sao hiện nay các hình thức tiếp thị truyền thống như quảng cáo trên bảng biển ngoài trời, trên báo chí và truyền hình vẫn tồn tại song song, mặc dù đôi khi những chương trình quảng cáo này có thể tạo ra sự phản cảm cho người tiêu dùng. Hình thức tiếp thị này giúp doanh nghiệp tiếp cận với những khách hàng thậm chí chưa biết được họ có thể cần những sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang chào bán trước đó, từ đó tạo ra nhu cầu mới cho doanh nghiệp.

Theo VĂN NHẬT
Inc./DNSG


Mỗi tháng, trung bình các chủ cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ chi cho tiếp thị trực tuyến 5 - 10 triệu đồng. Đây là số liệu được công bố từ kết quả khảo sát thực hiện ngẫu nhiên trên 2.000 khách hàng là các chủ cửa hàng trực tuyến của Bizweb vào tháng 1/2016.

Tuy nhiên, với số ngân sách này, các chủ cửa hàng thường đầu tư phân tán với rất nhiều hình thức tiếp thị, dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn.

Đa dạng kênh quảng cáo

Theo khảo sát, các kênh tiếp thị trực tuyến như Facebook, Google Adwords, SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), email marketing, seeding diễn đàn (forum seeding) và đăng bài trên báo chí được sử dụng tại hầu hết các cửa hàng tham gia khảo sát. Trong đó, quảng cáo trên Facebook hiện là kênh tiếp thị hàng đầu với 87% cửa hàng sử dụng, tiếp theo là SEO với 68% và seeding diễn đàn với 67%.

Khác với những thương hiệu lớn có nhân viên chuyên trách hoặc thuê các dịch vụ bên ngoài để thực hiện quảng cáo trên Facebook và SEO, các chủ cửa hàng trực tuyến vừa và nhỏ đang tự tìm tòi và thực hiện tiếp thị trực tuyến.

Có đến 58% cửa hàng có doanh thu dưới 50 triệu đồng/năm đang tự thực hiện quảng cáo trên Facebook, 37% đối với SEO và với Google Adwords là 31%. Tương tự, các cửa hàng có doanh thu cao hơn, có khi đến trên 1 tỷ đồng/năm, cũng tự chạy chiến dịch quảng cáo, tiếp thị.

Với ngân sách nằm trong khả năng, tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu cộng với am hiểu về kỹ thuật hoặc chịu khó tìm tòi, học hỏi từ các cộng đồng là các chủ cửa hàng có thể tự tin thiết lập chiến dịch quảng cáo.

Với SEO, mặc dù yêu cầu kỹ thuật cao hơn so với thiết lập quảng cáo, nhưng sự phát triển của các nền tảng bán hàng trực tuyến đã cho phép người dùng can thiệp, hỗ trợ SEO và tự đưa website lên top là việc hoàn toàn trong tầm tay của các chủ cửa hàng.

Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, hình thức này còn giúp các chủ cửa hàng có cái nhìn tổng quát về tình hình tiếp thị cũng như có sự thay đổi kịp thời và phù hợp.

Hiệu quả có được như mong muốn?


Trong khi kênh quảng cáo đa dạng mà nguồn lực và tài chính có hạn thì liệu các chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến có đạt được hiệu quả như mong muốn?

Anh Nguyễn Văn Lợi - chủ cửa hàng thực phẩm sạch Standard Food chia sẻ: "Facebook mang lại nhiều đơn hàng hơn so với các kênh khác nhưng khi mới chạy quảng cáo, do mình chưa hiểu rõ cách thực hiện nên hiệu quả chưa cao".

Sau một thời gian tìm tòi, thậm chí "đốt tiền" cho Facebook, anh Lợi đã tự thực hiện được các quảng cáo trên Facebook và có được lượng đơn hàng cao hơn khi biết nhắm đúng đối tượng khách hàng và tiết kiệm tối đa chi phí.

Tuy nhiên, không phải chủ cửa hàng nào cũng may mắn như anh Lợi khi có chiến dịch quảng cáo hiệu quả tạo ra đơn hàng. Ông Ngô Quốc Tài - Giám đốc Công ty Vietteam cho biết: "Tôi đã từng sử dụng Google Adwords và Facebook Ads, lượng khách hàng biết đến Công ty khá nhiều nhưng chất lượng khách hàng cũng như tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng tiềm năng chưa được tốt lắm".

Mặc dù hiệu quả từ việc tự thực hiện quảng cáo trên các kênh quảng cáo đối với các chủ cửa hàng trực tuyến vẫn còn là ẩn số, nhưng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đây.

Ông Trần Trọng Tuyến - TGĐ Công ty CP Công nghệ DKT đánh giá, hiệu quả của việc quảng cáo trên Facebook hay các hình thức tiếp thị khác như Google Adwords, email marketing... phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tìm hiểu và kỹ năng của các chủ cửa hàng. Do vậy, họ rất cần những nền tảng hỗ trợ từ phía nhà cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, với việc tự thực hiện SEO, các nền tảng bán hàng trực tuyến như Bizweb, Shopify... đều đã có công cụ hỗ trợ các chủ cửa hàng trong tối ưu hóa và tùy biến website nhanh chóng.

"Vấn đề quan trọng nhất là thái độ tích cực học hỏi của chính chủ cửa hàng, kết hợp cùng các công cụ hỗ trợ, việc tự thực hiện SEO hay quảng cáo đa kênh sẽ đem lại doanh thu, khách hàng nhiều hơn cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến trong thời gian tới", ông Tuyến tư vấn.

Theo Quỳnh Anh | DNSG

Giống như nhiều start-up khác, các founder (nhà sáng lập) FPT từng trải qua giai đoạn mâu thuẫn vì chuyện phân chia tiền bạc.

Ông Nguyễn Thành Nam, Cựu Tổng giám đốc FPT

Ông Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 nhà đồng sáng lập ra tập đoàn FPT. Ông Nam từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại tập đoàn này, trong đó có vị trí Tổng giám đốc FPT.

Chia sẻ trong một chương trình về khởi nghiệp diễn ra vào chiều ngày 28/2, ông Nam cho biết sau khi FPT thành lập được khoảng 3-4 năm, các founder của công ty đã xảy ra mâu thuẫn trong việc phân chia tiền bạc. Mọi người tranh cãi, thậm chí dùng ngôn ngữ nặng nề với nhau.

Có lúc ông Nam từng nghĩ mâu thuẫn này có thể khiến công ty tan rã nhưng "sau đó, ông Bình (Trương Gia Bình-PV) tìm thấy một cuốn sách tên là Mini MBA, trong đó có một chương viết rằng các công ty khi thành lập được 3-5 năm sẽ xảy ra tranh cãi."

"Hóa ra, việc tranh cãi tại các start-up giống như trẻ con lên sởi. Không phải bệnh chết người", ông Nam hài hước chia sẻ.

Cựu CEO FPT cũng nhắn nhủ "Khi trải qua giai đoạn này các bạn sẽ trưởng thành hơn".

Không chỉ riêng gì FPT, mà nhiều start-up khác tại Việt Nam và trên thế giới cũng gặp phải tình huống tương tự.

Mâu thuẫn trong việc phân chia cổ phần hoặc lợi nhuận có thể khiến những nhà đồng sáng lập từ chỗ anh em, cộng sự thân thiết chuyển sang đối đầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty, thậm chí khiến start-up sụp đổ.

Trong thực tế, có trường hợp khi công ty còn non trẻ và chưa sinh lời thì những founder đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Nhưng đến khi công ty đạt được chút thành công thì nội bộ lại xảy ra xích mích vì chuyện người nào đáng hưởng nhiều, người nào nên hưởng ít.

Đó chính là lý do ngay khi mới khởi sự, các nhà đồng sáng lập nên bàn bạc chi tiết và rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người trong nhóm. Tất nhiên, việc trao đổi này không thể chỉ là thỏa thuận bằng miệng mà cần có giấy tờ cụ thể.

Một số founder đã phải nhận bài học đắt giá vì nghĩ rằng những người đồng sáng lập với mình là anh em, bạn bè nên không cần đến văn bản hay hợp đồng.

Không có một công thức nhất định cho việc phân chia cổ phần/lợi nhuận giữa những người đồng sáng lập. Có start-up chọn cách chia đều cho các thành viên nhưng không phải lúc nào cách này cũng hiệu quả. Như ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ trong trường hợp trên "Nếu chia đều thì ai cũng không thấy hài lòng" hay "Việc chia đều không có giá trị gì cả"

Theo ông Đinh Viết Hùng, CEO JoomlArt, các founder có thể chia cổ phần bằng cách xác định các yếu tố quan trọng đối với công ty và % của từng yếu tố đối với sự thành công chung của start-up. Sau đó, chấm điểm từng người đồng sáng lập theo các tiêu chí này, từ đây đưa ra quyết định về cổ phần hoặc lợi nhuận mà từng người được hưởng.

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *

Powered by Blogger.